Thiết kế của Sony Xperia: đặt trọng tâm vào người dùng

Sony không phải là cái tên mới lạ về mặt thiết kế công nghiệp nói chung và thiết bị di động nói trên. Sony luôn là một hãng giữ được nét riêng của mình, tạo được điểm nhấn trở nên khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Và quan trọng hơn, ở cốt lõi của Sony, đó là việc hãng nghĩ tới người dùng trước khi quyết định làm ra một chiếc máy nào đó.

Xperia Arc - đường cong là điểm nhấn

2011

Xperia Arc là một trong những chiếc điện thoại mang đậm cái chất Sony nhất từ trước đến nay, và nó cũng mở ra một thời kỳ mới cho thiết kế điện thoại Sony. Arc sở hữu mặt lưng cong, khi cầm trong tay rất dễ chịu vì nó ôm sát vào lòng bàn tay của bạn. Sony nói họ đã nghiên cứu nhiều về mặt công thái học cộng với tính thẩm mỹ trước khi làm ra Arc. Chiếc Arc cũng là một trong những cái điện thoại mỏng ấn tượng vào năm 2011 khi mà đa số smartphone Android đều còn dày cộp và rất nhiều mẫu, kể cả của Sony, vẫn còn tích hợp bàn phím cứng.

Cuộn xuống để xem tiếp

Xperia S - Sự trong suốt của phần mềm và phần cứng

2012

Sau thiết kế cong của Arc, Sony chuyển sang dùng một thiết kế mang tính truyền thống hơn, vuông vức hơn, nhưng không vì thế mà hãng quên đi cái đặc trưng của mình. Dòng Xperia S, sau đó là Xperia P, U, T, Sola đều tuân theo một kiểu mặt lưng cong với chung mục đích ôm vào bàn tay. Không dừng lại ở đó, Xperia S, P còn sở hữu một dải nhựa trong suốt ở gần cạnh dưới, nó sẽ đổi màu dựa theo thông báo trên điện thoại. Một cách notification rất thông minh, kết hợp tốt giữa phần mềm và phần cứng để truyền thông điệp cho người dùng chứ không chỉ làm đèn LED như bình thường.

Xperia Tablet S - Gập cạnh như cuốn sách

2012

Tạm nghỉ điện thoại, chúng ta nhìn vào nỗ lực của Sony với máy tính bảng. Thời điểm năm 2012 là thời mà tablet bùng nổ, người người tablet, nhà nhà tablet. Sony cũng không đứng ngoài cuộc chơi, và họ đã lấy cảm hứng từ cuốn sách để tạo ra Xperia Tablet S.

Điểm đặc trưng nhất của Tablet S nằm ở phần gáy gập lại. Sony làm như vậy để mô phỏng lại một cuốn sách mà bạn thường cầm trên tay để đọc trong thời gian dài. Qua đây, bạn có thể thấy rõ vì sao Sony luôn được đánh giá cao về mặt công thái học cũng như thẩm mỹ. Phần gáy này còn đóng vai trò làm nơi bố trí cổng kết nối nữa.

Xperia Z - Cứng cáp, mạnh mẽ và riêng biệt

2013

Đến Xperia Z, Sony bắt đầu chọn môt cái tên cho thiết kế của mình, chủ yếu để dễ marketing hơn - Omni Balance. Về cơ bản, Omni Balance đặc trưng nhất ở nút nguồn hình tròn, các cạnh bên vuông vức khỏe mạnh và mặt sau. phủ kính.

Ở những dòng đầu tiên, Xperia Z cầm hơi cấn tay một chút. Đến Xperia Z3, Sony đổi thiết kế viền cho mềm mại hơn, ôm nhiều hơn vào lòng bàn tay. Sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu bạn làm ra điện thoại đẹp mà người ta không xài nổi, đúng không nào?

Xperia XZ - Bề mặt cong từ trước ra sau

2016

Sony giữ thiết kế Omni Balance trong thời gian khá dài, qua các đời Xperia Z, Z1, Z2, Z3, Z5... Năm 2016, công ty nhận thấy đã tới lúc cần thay đổi, và thiết kế Loop Surface mới xuất hiện trên chiếc Xperia XZ.

Loop Surface nhấn mạnh vào sự liền lạc giữ mặt trước và mặt sau của điện thoại. Kiểu chế tác này được Sony làm tỉ mỉ, cẩn thận, một sự kết hợp khéo léo giữa kính với kim loại. Ngoài chuyện đẹp, ngôn ngữ thiết kế mới còn giúp máy khớp hơn với bàn tay khi sử dụng, nhờ vậy cảm giác cầm XZ rất tốt, rất êm ái, dễ chịu nhưng không hề bị trơn tay.

Xperia XZ2 - Thay đổi vì người dùng

2018

Là một bước nâng cấp của Xperia XZ, XZ2 chuyển sang dùng thiết kế Ambient Flow. Về cơ bản, thiết kế này khắc phục điểm yếu viền dày của Loop Surface, cải thiện sự dễ chịu khi cầm sử dụng trong thời gian dài, mặt lưng được làm cong hơn một chút.

Để làm được điều này, Sony đã dùng kính cong 3D. Tấm kính Gorilla Glass 5 vừa có tác dụng bảo vệ điện thoại, vừa tạo được hiệu ứng cong cả trước và sau như ý đồ của nhóm thiết kế. Cảm biến vân tay của Sony cũng không còn nằm ở cạnh bên mà di chuyển ra sau lưng, với mình thì vị trí này dễ sử dụng hơn là cái nút bên phải do diện tích chạm rộng hơn.